Lưu trữ

Posts Tagged ‘tu phap’

Bộ trưởng Trần Đại Quang tham dự hội nghị Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp

Ngày 5/10, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương nhiệm kỳ 2011-2016 họp phiên thứ nhất. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương chủ trì hội nghị.

Cùng dự hội nghị có các Ủy viên Bộ Chính trị: Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Chính phủ; Trần Đại Quang, Bộ trưởng Bộ Công an.

Bộ trưởng Trần Đại Quang tham dự hội nghị Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp

Bộ trưởng Trần Đại Quang tham dự hội nghị Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp

Hội nghị đã nghe công bố quyết định số 39 của Bộ Chính trị về thành lập Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương nhiệm kỳ 2011-2016. Theo quyết định 39 của Bộ Chính trị, Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương gồm 15 thành viên, do Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang làm Trưởng ban.

Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chánh Văn phòng Trung ương Đảng Lê Thị Thu Ba, Phó Chánh Văn phòng Trung ương Đảng Nguyễn Văn Quyền làm Phó Trưởng ban. Trong đó, bà Lê Thị Thu Ba làm Phó Trưởng ban Thường trực.

Hội nghị cũng đã nghe công bố Quy định số 40 của Bộ Chính trị quy định về nhiệm vụ quyền hạn chế độ làm việc, quan hệ công tác, cơ quan tham mưu, giúp việc và chế độ, chính sách cán bộ của Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương.

Các đại biểu cũng đã nghe và cho ý kiến về dự thảo quyết định phân công trách nhiệm của các thành viên Ban Chỉ đạo cùng quyết định kiện toàn Ban thư ký, thông qua chương trình làm việc năm 2011.

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh các cơ quan tư pháp là bộ phận trong hệ thống pháp quyền Việt Nam, hoạt động của Ban Chỉ đạo có ý nghĩa quan trọng.

Chủ tịch nước yêu cầu các thành viên phụ trách lĩnh vực liên quan sớm có chương trình hoạt động cụ thể, trên tinh thần khẩn trương, tổ chức thực hiện hiệu quả Nghị quyết 49, Kết luận 79 của Bộ Chính trị, Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ 11 về cải cách tư pháp.

Phiên họp thứ nhất của Ban Chỉ đạo cải cách Tư pháp Trung ương nhiệm kỳ 2011- 2016 (Ảnh: TH)

Phiên họp thứ nhất của Ban Chỉ đạo cải cách Tư pháp Trung ương nhiệm kỳ 2011- 2016 (Ảnh: TH)

Căn dặn bộ phận thường trực và ban thư ký của Ban Chỉ đạo những nội dung cần lưu ý triển khai trong những tháng cuối năm, Chủ tịch nước lưu ý, một trong những nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới của công tác cải cách tư pháp là tích cực tham gia phối hợp để đẩy nhanh việc sửa đổi Hiến pháp 1992.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang mong muốn nhiệm kỳ tới, chương trình hoạt động toàn khóa của Ban chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương sẽ góp phần thiết thực đổi mới hoạt động tư pháp, đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền trong giai đoạn hội nhập./.

Nguyễn Anh
(Theo TDQ)

(Theo website Hoàng Trung Hải)

Ông Trương Tấn Sang: Ngành Kiểm sát cần tích cực cải cách tư pháp

Đồng chí Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư nhấn mạnh, ngành Kiểm sát cần nỗ lực tham gia vào quá trình cải cách tư pháp, đảm bảo tính khách quan, tuân thủ pháp luật trong hoạt động tố tụng, điều tra, xét xử, tránh bỏ lọt tội phạm, tránh oan sai.

truong tan sang

Đồng chí Trương Tấn Sang phát biểu tại Hội nghị

Ngày 22/6 tại TP. Hồ Chí Minh, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao tổ chức hội nghị toàn ngành năm 2011. Đồng chí Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư đã tới dự.

Bên cạnh việc biểu dương những thành tích đạt được thời gian qua, đồng chí Trương Tấn Sang đề nghị ngành Kiểm sát phải đổi mới mạnh mẽ hơn nữa phương thức hoạt động, tổ chức cán bộ, hoàn thiện thể chế pháp luật, đạo đức nghề nghiệp.

Ngành cần tiếp tục triển khai tập trung các đợt sinh hoạt chính trị, quán triệt các văn kiện của Đại hội Đảng khóa XI.

Ngành cần nỗ lực tham gia vào quá trình cải cách tư pháp, đảm bảo tính khách quan, tuân thủ pháp luật trong hoạt động tố tụng, điều tra, xét xử, tránh bỏ lọt tội phạm, tránh oan sai.

Theo đồng chí Trương Tấn Sang, quá trình đổi mới, cải cách tư pháp cần tránh sự nóng vội, ảnh hưởng đến hoạt động của ngành cũng như ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân.

Ngành Kiểm sát cần rà soát, đánh giá lại đội ngũ cán bộ, tăng cường công tác bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ, thực hiện lời dạy của Bác Hồ về 5 đức tính của cán bộ Kiểm sát là công minh, chính trực, khách quan, thận trọng và khiêm tốn. Đây là một vấn đề quan trọng và cấp thiết để chủ động xây dựng một nền tư pháp đổi mới, phục vụ nhân dân, phụng sự tổ quốc và hội nhập quốc tế.

Lãnh đạo ngành cũng cần tạo điều kiện để cán bộ, kiểm sát viên được tham gia Hiệp hội công tố thế giới, mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế.

Nguyễn Đức

(Theo website Hoàng Trung Hải)