Lưu trữ

Posts Tagged ‘Phát triển’

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải làm việc với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Cùng với quá trình tái cấu trúc nền kinh tế, ngành nông nghiệp cần đề ra được một chiến lược phát triển hướng tới nâng cao giá trị gia tăng, phát triển có chất lượng và bền vững.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh chỉ đạo mang tính chiến lược đối với ngành nông nghiệp trong buổi làm việc sáng 29/10 tại Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về thực hiện kế hoạch năm 2011, phương hướng nhiệm vụ 2012.

Nông nghiệp đảm bảo tốc độ tăng trưởng ổn định

Toàn cảnh buổi làm việc của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Toàn cảnh buổi làm việc của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, năm 2011 là năm mà ngành nông nghiệp vừa đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức nhưng cũng đạt được nhiều thành công.
9 tháng đầu năm, giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản ước đạt 162.000 tỷ đồng, tăng 4,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó nông nghiệp đạt 114.000 tỷ, tăng 3,7%, lâm nghiệp tăng 4% và thủy sản tăng 5,2%. Ước cả năm, tốc độ tăng GDP nông, lâm, thủy sản đạt 2,4-2,6%, tốc độ tăng giá trị sản xuất ước đạt 4-4,2%.

2011 là năm được mùa lúa với sản lượng ước đạt 41,5 triệu tấn, tăng khoảng 1,5 triệu tấn so với năm 2010, đảm bảo an ninh lương thực trong nước và thực hiện được chỉ tiêu xuất khẩu tấn gạo. Lúa, cũng như thủy sản, sản phẩm cây công nghiệp được giá, giúp kim ngạch xuất khẩu toàn ngành ước tăng khoảng 28% so với năm 2010, đạt 25 tỷ USD, thặng dư thương mại gần 9 tỷ USD.

2011 cũng là năm mà các chương trình phát triển nông thôn, cải thiện mức sống dân cư nông thôn được tập trung triển khai mạnh. Tỷ lệ hộ nghèo (tiêu chí mới) dự kiến giảm còn 15,5%, nâng tỷ lệ người dân nông thôn sử dụng nước sạch đạt 83%…

Trong kế hoạch năm 2012, ngành nông nghiệp đề ra mục tiêu tiếp phấn đầu đạt tăng trưởng GDP ngành 2,3-2,6%, kim ngạch xuất khẩu đạt 24 tỷ USD, tỷ lệ che phủ rừng 40,5%. Sản lượng lúa khoảng 41,5 triệu tấn, trong đó xuất khẩu 6,5-7 triệu tấn gạo, thủy sản 5,2 triệu tấn…

Tại buổi làm việc, đại diện các ngành kinh tế của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng trình bày các đề án phát triển giai đoạn 2011-2015, định hướng tái cơ cấu lĩnh vực, xây dựng trình chính sách thúc đẩy liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản giữa doanh nghiệp và người sản xuất nông nghiệp.

Hướng tới nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm nông nghiệp

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải khẳng định nông nghiệp và phát triển nông thôn là lĩnh vực ưu tiên hàng đầu trong chủ trương phát triển kinh tế xã hội của Đảng và Nhà nước. Bước sang giai đoạn phát triển mới, với điều kiện hoàn cảnh kinh tế thế giới, trong nước có nhiều thay đổi, thì ngành nông nghiệp cần có những định hướng tập trung phát triển mới.
“Đó là việc hướng tới việc khai thác tối đa tiềm năng và lợi thế phát triển của ngành nông nghiệp hiện còn rất lớn. Dư địa, tiềm năng đó là giá trị gia tăng và chất lượng các sản phẩm nông, thủy hải sản”, Phó Thủ tướng nêu rõ.

Do chưa làm được điều này nên ngành nông nghiệp mặc dù chiếm tỷ lệ cao về lao động, tỷ trọng cao về đầu tư từ ngân sách nhưng tỷ lệ đóng góp cho GDP chưa tương xứng, tăng trưởng đang có xu hướng giảm dần, năng suất, chất lượng còn thấp. Đời sống nông dân nhìn chung còn nghèo.

Phó Thủ tướng nói rõ thêm, 5 năm tới ngành nông nghiệp cần tập trung tối đa cho các giải pháp tái cơ cấu ngành theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Việc tái cơ cấu cần đồng bộ, trước hết là trong chuyển đổi cơ cấu vốn đầu tư, giảm dần sự phụ thuộc vào ngân sách, có chính sách thu hút đầu tư ngoài xã hội, nhất là đầu tư nước ngoài để ưu tiên cho các chương trình khoa học công nghệ, giống cây trồng, vật nuôi có chất lượng, giá trị cao. Đặc biệt là gia tăng hàm lượng, giá trị chế biến trong tất cả các sản phẩm nông, lâm, thủy hải sản hiện nay, coi đây là khâu đột phá để vừa đảm bảo ổn định về tăng trưởng vừa nâng cao giá trị sản xuất của ngành nông nghiệp.

Để làm được những thay đổi chiến lược đó, Phó Thủ tướng lưu ý các vấn đề về việc quy hoạch, xây dựng các chính sách, cơ chế “mồi” trong quản lý phát triển nông nghiệp, nông thôn, giải pháp liên kết “4 nhà”… Từ đó, tiến tới xây dựng những giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành nông nghiệp Việt Nam (có so sánh với các quốc gia khác), những thương hiệu nông sản Việt Nam với sự kiểm soát chặt chẽ chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm./.
Nguyên Linh

(Theo website Hoàng Trung Hải)

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải phê duyệt danh mục dự án “Phát triển hệ thống tưới Bắc sông Chu – Nam sông Mã”

Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải vừa phê duyệt danh mục dự án “Phát triển hệ thống tưới Bắc sông Chu – Nam sông Mã” vay vốn Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB).

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp chặt chẽ với UBND tỉnh Thanh Hóa tiến hành thẩm định và chịu trách nhiệm phê duyệt dự án theo quy định.

Được biết, dự án đầu tư hệ thống kênh Bắc sông Chu – Nam sông Mã đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt với tổng mức đầu tư 4.315  tỷ đồng. Toàn bộ tuyến kênh bao gồm: kênh chính dài 16,510 km, kênh chính Bắc 58,4998 km, kênh chính Nam dài 43,348 km.

Sau khi hoàn thành hệ thống kênh Bắc sông Chu – Nam sông Mã sẽ phát huy hiệu quả đồng bộ của Công trình Thủy lợi – Thủy điện Cửa Đạt phục vụ sản xuất, dân sinh. Hệ thống kênh Bắc sông Chu – Nam sông Mã chủ động tưới tự chảy cho gần 32.000 ha (thay thế hơn 100 trạm bơm lớn, nhỏ dọc sông Chu, sông Mã, sông Cầu Chày).

Đức Nam
(Theo chinhphu)

(Theo website Hoàng Trung Hải)

Ông Hoàng Trung Hải: Tham gia đầu tư mạnh mẽ phát triển hạ tầng

Ngày 19/10, chủ trì cuộc họp với các bộ liên quan nhằm rà soát lại  Đề án Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ giai đoạn 2011-2020, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu cần chú ý đến việc tạo cơ chế thu hút mạnh mẽ các thành phần kinh tế tham gia đầu tư lĩnh vực này.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 10 năm qua hạ tầng giao thông đã có phát triển vượt bậc, bước đầu đáp ứng được nhu cầu giao lưu kinh tế giữa nước ta với các nước trong khu vực.

Ảnh minh họa,

Ảnh minh họa,

Mật độ đường bộ đã tăng từ 0,66 km/km2 năm 2000 lên tới 0,77km/km2 năm 2010. Tổng năng lực  vận tải hàng không  tăng từ 6,8 triệu hành khách và 119.600 tấn hàng hóa năm 2000 lên 31,4 triệu hành khách và 590.000 tấn hàng hóa năm 2010.

Hạ tầng năng lượng đã được đầu tư mới và đưa vào khai thác hơn 13.361 MW công suất nguồn điện, nâng tổng lượng điện sản xuất tăng từ 26,6 tỷ kWh năm 2000 lên 91,6 tỷ kWh năm 2010 tăng 3,76 lần

Mạng lưới các trường đại học và cao đẳng được mở rộng với 414 trường, tăng 261 trường so với năm 2000. Số cơ sở khám chữa bệnh từ tuyến cơ sở đến Trung ương  tăng thêm 300, tổng số giường bệnh tăng thêm  54.400.

Mặc dù  tỷ lệ đầu tư phát triển hạ tầng ở Việt Nam được đánh giá cao  so với các nước lận cận, chiếm 24,5% tổng đầu tư xã hội, bằng 9% GDP, nhưng kết cấu hạ tầng vẫn còn  hạn chế so với các nước trong khu vực. Chẳng hạn, mạng lưới giao thông chưa đồng bộ, hạ tầng công nghệ thông tin phát triển nhanh nhưng  chưa bền vững, hệ thống hạ tầng cấp thoát nước chưa đáp ưng được nhu cầu sử dụng cho đô thị và các khu công nghiệp…

Tại buổi làm việc, đại biểu các bộ, ngành liên quan đã thảo luận, cân nhắc lựa chọn thứ tự ưu tiên các hạng mục công trình của từng lĩnh vực nhằm tạo bước đột phá trong giai đoạn 5 năm tới.

Các đại biểu cho rằng phát triển kết cấu hạ tầng cần xác định rõ vai trò của nhà nước, nhưng nhà nước sẽ chuyển hướng từ đầu tư trực tiếp sang tạo môi trường, chia sẻ rủi ro với khu vực tư nhân. Việc đầu tư tập cần trung có trọng tâm, trọng điểm vào những công trình có ý nghĩa lớn về phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng và có sức lan tỏa, gắn với bảo vệ môi trường.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã yêu cầu các bộ cần tiếp tục đổi mới trong việc xây dựng chính sách, đặc biệt là thay đổi  tư duy, có đột phá về cơ chế, về giá về phương pháp thực hiện để có chính sách thu hút mạnh mẽ các thành phần cùng tham gia trong  xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ.

Để hoàn thiện Đề án và báo cáo các thành viên Chính phủ, Phó Thủ tướng yêu cầu các cơ quan liên quan tiếp tục rà soát và cấu trúc lại Đề án cho chặt chẽ.

Phó Thủ tướng cũng lưu ý việc soạn thảo Đề án cần tiếp cận theo hướng đổi mới cơ chế, xây dựng các yếu tố kinh tế thị trường đồng bộ để tạo bước đột phá thu hút các thành phần tham gia đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng.

Quỳnh Hoa
(Theo ChinhPhu)

(Theo website Hoàng Trung Hải)

Ông Hoàng Trung Hải điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án phát triển KT-XH các đô thị tại 3 tỉnh

Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải vừa cho phép điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án Phát triển kinh tế-xã hội tại các đô thị Việt Trì, Hưng Yên và Đồng Đăng từ 101,92 triệu USD lên 115,33 triệu USD như kiến nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

    Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải giao UBND các tỉnh: Phú Thọ, Hưng Yên và Lạng Sơn tiếp thu ý kiến của các cơ quan liên quan, chịu trách nhiệm thẩm định và phê duyệt việc điều chỉnh dự án theo đúng quy định hiện hành.

Trước đó, ngày 30/6/2011, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt danh mục dự án Phát triển toàn diện kinh tế – xã hội tại các đô thị Việt Trì, Hưng Yên và Đồng Đăng với tổng kinh phí là 101,92 triệu USD.

Đức Nam
(Theo chinhphu)

(Theo website Hoàng Trung Hải)

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải: Điều chỉnh chuyển mô hình của Tổ chức Phát triển quỹ đất

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải vừa đồng ý với đề nghị của Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc điều chỉnh thời gian báo cáo việc thí điểm chuyển đổi Tổ chức Phát triển quỹ đất từ đơn vị sự nghiệp có thu sang hoạt động theo mô hình doanh nghiệp.

Tổ chức Phát triển quỹ đất có nhiệm vụ tạo quỹ đất để phục vụ phát triển kinh tế, xã hội

Trao đổi với Vụ Kinh tế ngành – Văn phòng Chính phủ được biết, tháng 2/2011 tại cuộc họp đánh giá kết quả thực hiện Nghị định 69/2009/NĐ-CP, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã giao Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu thí điểm ở một số địa phương việc chuyển Tổ chức Phát triển quỹ đất đang hoạt động theo mô hình đơn vị sự nghiệp sang hoạt động theo mô hình doanh nghiệp và báo cáo Thủ tướng Chính phủ vào cuối năm 2011.
Quá trình triển khai ý kiến chỉ đạo trên, Bộ Tài nguyên và Môi trường thấy rằng, để thực hiện thí điểm chuyển đổi mô hình hoạt động của Tổ chức Phát triển quỹ đất thì cần tổng kết, đánh giá tình hình, kết quả hoạt động của Tổ chức Phát triển quỹ đất được thành lập theo quy định của Nghị định 69/2009/NĐ-CP. Từ đó xây dựng cơ chế, chính sách, lộ trình chuyển đổi Tổ chức Phát triển quỹ đất sang hoạt động theo mô hình doanh nghiệp trình Thủ tướng Chính xem xét, quyết định trước khi triển khai thí điểm.

Hơn nữa, cũng theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, việc thí điểm cần có thời gian để vận hành, tổng kết rút kinh nghiệm trước khi triển khai trên diện rộng.

Vì vậy, Bộ đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép điều chỉnh thời gian báo cáo trong 2 năm (2011 – 2012), thay vì báo cáo vào cuối năm 2011.

Hiện Tổ chức Phát triển quỹ đất là đơn vị sự nghiệp có thu, do UBND cấp tỉnh quyết định thành lập ở cấp tỉnh, cấp huyện. Tổ chức Phát triển quỹ đất có nhiệm vụ tạo quỹ đất để đấu giá quyền sử dụng đất; tạo quỹ đất để phục vụ phát triển kinh tế, xã hội; tạo quỹ đất để phục vụ sự nghiệp giáo dục – đào tạo, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể dục thể thao, môi trường và các nhu cầu khác của địa phương, ổn định thị trường bất động sản…

Tính đến ngày 20/1/2011, đã có 58/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành lập Tổ chức Phát triển quỹ đất cấp tỉnh. Tại cấp huyện, cả nước đã có 131 Tổ chức Phát triển quỹ đất được thành lập.

Quốc Hà

(Theo www.hoangtrunghai.net)